Một số hình ảnh hoạt động của Dự án. |
Tìm kiếm nguồn lực, nâng cao tỷ lệ người dân được dùng nước sạch
Nâng cao tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh (HVS) là một trong những chỉ tiêu hết sức quan trọng luôn được Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa quan tâm, coi đây là mấu chốt để đảm bảo phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, với địa bàn rộng lớn, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, nhất là đối với 11 huyện miền núi, việc đầu tư của tỉnh cho nhu cầu nước sạch là hết sức khó khăn. Việc tìm kiếm nguồn lực tham gia các chương trình/dự án với mong muốn không để người dân thiếu nước sạch đã trở nên cấp thiết từ nhiều năm.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2010 đến nay, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường (VSMT) nông thôn, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; cùng với việc huy động các nguồn lực như nguồn vốn ODA, vốn doanh nghiệp, vốn tín dụng, vốn huy động trong nhân dân, lĩnh vực nước sạch nói chung và nước sạch nông thôn nói riêng của tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân trong tỉnh.
Hiện nay, Thanh Hóa có 34 công trình cấp nước sạch tập trung, cấp cho cho 125/481 xã miền xuôi (chiếm 26,2%). Ngoài ra, có 15 dự án đang trong quá trình xây dựng, với dự kiến cấp nước cho 151 xã. Trong số 163 xã thuộc 11 huyện miền núi hầu hết là chưa được đầu tư hệ thống cấp nước sạch.
Đến hết năm 2020, tỷ lệ dân số nông thôn trong tỉnh sử dụng nước sinh hoạt HVS đạt 95,6% (miền núi đạt 90,8%, đồng bằng 97,5%), tăng 27,7% so với năm 2010 (đạt 67,9%); tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt QCVN 02 là 56,3%, tăng 26% so với năm 2010. Tỷ lệ người nghèo được sử dụng nước HVS năm 2020 đạt 91,6%.
Tuy nhiên, kết quả về tỷ lệ nước sạch, nước hợp vệ sinh chưa thực sự bền vững. Dân số nông thôn được sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung chỉ chiếm khoảng 19%/56,3% nêu trên. Còn lại là từ các hệ thống máy lọc nước R.O quy mô hộ gia đình, chất lượng phụ thuộc vào việc người dân sử dụng và bảo dưỡng thiết bị, lượng nước sử dụng cũng hạn chế, chỉ đủ phục vụ cho ăn, uống, các sinh hoạt khác vẫn phải dùng nước từ giếng khoan, giếng đào.
Đặc biệt, đối với 163 xã miền núi, hiện mới chỉ có một số ít xã được sử dụng nước sạch từ việc mở rộng hệ thống cấp nước sạch tập trung tại các thị trấn phát triển, còn lại chưa có chủ trương đầu tư, xây dựng hệ thống cấp nước sạch tập trung. Người dân nông thôn miền núi gặp rất nhiều khó khăn trong việc khai thác, sử dụng nguồn nước sinh hoạt phục vụ đời sống dân sinh.
Phát huy mọi nguồn lực, hướng tới mục tiêu bền vững
Thực hiện chủ trương của Đảng bộ, đã có nhiều chương trình/dự án về nước sạch HVS của các tổ chức xã hội trong nước và quốc tế tham gia trên địa bàn tỉnh. Một trong những dự án mang lại hiệu quả và có giá trị bền vững phải kể đến dự án: Các Hoạt động Địa phương Việt Nam vì Sức khỏe Môi trường (dưới đây gọi chung là Dự án) do Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) được tài trợ của USAID triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2017tại một số xã vùng khó khăn. Mục tiêu của Dự án nhằm liên kết các tổ chức địa phương nâng cao năng lực, phát huy nguồn lực tăng cường tiếp cận nước sạch, nước uống học đường (NUHĐ) cho người dân và học sinh.
Với phương châm “học để làm” và chia sẻ kinh nghiệm về phát triển, quản lý bền vững các mô hình xử lý, cấp nước sạch, trong giai đoạn đầu, Dự án tập trung nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của nước sạch và sử dụng nước sạch; đồng thời, phát huy sáng kiến của địa phương, tăng cường nguồn lực xây dựng các mô hình xử lý, cấp nước sạch, NUHĐ quy mô vừa và nhỏ tại các trường học và cụm dân cư. Cụ thể là tại xã Hà Lâm (nay là xã Yến Sơn), huyện Hà Trung và xã Nga Trường, huyện Nga Sơn.
Qua khảo sát, đánh giá chất lượng nguồn nước và nhu cầu sử dụng nước sạch HVS của các xã, Dự án nhận thấy nhiều bất cập là nguyên nhân gây nên mối nguy hại cho sức khỏe người dân.Tình trạng ô nhiễm nguồn nước đã đến mức cảnh báo. Nước sông Lèn chảy qua xã Hà Lâm và nước sông Hoạt chảy qua xã Nga Trường có nguy cơ ô nhiễm nặng do nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp và phóng uế của các hộ ven sông; nước ao/hồ bị ô nhiễm bởi chuồng trại chăn nuôi; nguồn nước giếng khoan nhiễm mặn, sắt, mangan và những hoạt động xả thải của người dân trong sản xuất, sinh hoạt ngày càng gia tăng.
Trên cơ sở thảo luận dân chủ, cởi mở, Ban Chủ nhiệm Dự án thống nhất với địa phương các phương thức triển khai, dựa trên nguyên tắc: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và dân hưởng thụ. Dự án chỉ hỗ trợ một số lĩnh vực, như vận động chính sách; truyền thông nâng cao năng lực; tư vấn, chuyển giao công nghệ; tập huấn kỹ năng quản lý, vận hành các công trình đã hoàn thành.
Với phương châm “học để làm” và cùng nhau “chia sẻ kinh nghiệm”, Dự án nhanh chóng nhận được sự đồng thuận của chính quyền, các tổ chức xã hội và người dân. Nhiều sáng kiến về giải pháp và nguồn lực địa phương được phát huy, nâng cao tính chủ động, trách nhiệm, không trông chờ, ỷ lại vào Dự án. Mô hình công nghệ được người dân lựa chọn phù hợp với năng lực và khả năng đầu tư trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhất là về đầu tư quy mô lớn của nhà nước có thể còn kéo dài nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ.
Cán bộ Dự án kiểm tra và nghe Trưởng ban Quản lý địa phương trao đổi công tác vận hành hệ thống cấp nước sạch tại cụm dân cư số 5 thôn Chuế Cầu |
Sau 3 năm triển khai, năng lực của các tổ chức địa phương và người dân được nâng lên rõ rệt; huy động hơn 10 tỷ đồng từ các tổ chức xã hội và người dân cùng Dự án xây dựng các công trình mà mục tiêu đặt ra, gồm: 4 hệ thống cấp nước sạch, NUHĐ công suất từ 5- 10m3/ngày/hệ thống đạt tiêu chuẩn QCVN 6-1/2011-BYT, đáp ứng nhu cầu nước sạch cho 654 giáo viên, học sinh thuộc 2 điểm trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường trung học cơ sở; 1 hệ thống xử lý, cấp nước đạt tiêu chuẩn QCVN 01/2009-BYT, công suất 40m3/ngày, phục vụ cho 160 hộ dân thuộc cụm dân cư số 5, thôn Chuế Cầu, xã Hà Lâm (cũ); lắp đặt 1 hệ thống đường ống cấp nước sạch cho 1.057 hộ dân xã Nga Trường, Nga Sơn. Ngoài ra, Dự án còn giúp nhân rộng mô hình tại một số điểm trường/ hộ dân cư của các xã thuộc huyện Hà trung, Nông nống, TP. Thanh Hóa...
Qua kiểm tra định kỳ, chất lượng nước đảm bảo theo các quy chuẩn của Bộ Y tế, giá thành chi phí cho mỗi m3 nước thấp hơn so với giá nước sạch quy định của tỉnh (khoảng 30-50%). Được sử dụng nước sạch, người dân phấn khởi, tinh thần và sức khỏe được cải thiện rõ rệt, một số bệnh về tiêu hóa, ngoài da, mắt và các bệnh liên quan đến hô hấp, nhất là ở trẻ em và người già giảm hẳn. Thông qua các buổi truyền thông “tìm kiếm Đại sứ nước”, các em học sinh đã thể hiện rõ sự nhận thức đúng đắn về vai trò của nước sạch và việc bảo vệ, sử dụng nguồn nước sạch, các em đã thật sự trở thành những đại sứ nước trong tương lai.
Những bất cập đều được người dân tháo gỡ
Thông qua các diễn đàn trao đổi tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm về kết quả Dự án, các nhà quản lý, chuyên gia và các nhà khoa học của tỉnh đánh giá cao hiệu quả Dự án đạt được. Nhờ kết nối các tổ chức địa phương, đã phát huy được nhiều sáng kiến và tính chủ động, trách nhiệm của người dân. Người dân bàn, người dân làm và làm cái người dân cần, nên hiệu quả rõ ràng, chất lượng công trình đảm bảo, tiết kiệm thời gian và vật chất. Nhờ bàn bạc dân chủ và được trực tiếp tham gia lựa chọn công nghệ, tham gia xây dựng công trình nên người dân nắm bắt nhanh và đầy đủ về kỹ thuật, làm chủ công nghệ và vận hành thông thạo các công trình sau khi đưa vào sử dụng. Cùng với cơ chế, chính sách được chính quyền địa phương ban hành kịp thời, các công trình hoàn thiện đến đâu bàn giao cho các ban/tổ quản lý, vận hành đưa vào sử dụng đến đó, tạo nên sự bền vững khác xa so với nhiều dự án trước đây.
Tại “Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quản lý bền vững các mô hình cấp nước quy mô nhỏ trường học và cụm dân cư” do Viện PHAD đề xuất phối hợp cùng các đơn vị địa phương của tỉnh tổ chức ngày 28/4/2021 tại huyện Hà Trung với nhiều tham luận của các nhà quản lý, các nhà khoa học và đặc biệt của các ban quản lý công trình cấp nước sạch và người dân của các xã Yến Sơn, Hà Vinh, Nga Trường đều bày tỏ tính ưu việt của Dự án. Thông qua Hội thảo, một số vấn đề kỹ thuật và những điểm “nghẽn” bất cập trong quản lý, vận hành đã được giải đáp và tháo gỡ. Điều đặc biệt là các đề xuất giải pháp tháo gỡ phần lớn lại từ chính các ban/tổ quản lý, vận hành và người dân, vừa nêu cao tính chủ động, trách nhiệm tại chỗ vừa giảm thời gian chờ đợi, giảm chi phí vật tư mà không lệ thuộc vào Dự án hay các văn bản hành chính như các ban quản lý công trình của tỉnh, huyện.
Đến nay, các ban quản lý/tổ tự quản lý đã được trang bị đầy đủ kỹ năng quản lý, vận hành, các công cụ và phương tiện kỹ thuật kiểm tra, xử lý sự cố xảy ra trong quá trình khai thác, sử dụng các công trình; công tác duy tu bảo dưỡng được thực hiện thường xuyên, máy móc thiết bị được bảo dưỡng định kỳ đảm bảo vận hành cấp nước an toàn, bền vững. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, giám sát chất lượng nước theo các quy chuẩn của Bộ Y tế;công tác thông tin - giáo dục - truyền thông được duy trì, góp phần tiếp tục nâng cao tỷ lệ hộ dân được sử dụng sạch trên quy mô toàn xã.
Cùng với triển khai tại Thanh Hóa, Dự án đã triển khai tại tỉnh Hà Nam về Kế hoạch cấp nước an toàn Giai đoạn 2018-2025; đồng thời, mở rộng đến các tỉnh khác, như: Hà Giang, nghiên cứu hoàn thiện mô hình nhà tiêu sinh học và dự án nước sạch, NUHĐ; An Giang tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng chủ trương và triển khai đầu tư 4 hợp phần liên quan đến nước sạch, gồm: Mô hình truyền thông về nước - sức khỏe; mô hình cấp nước sạch cụm dân cư công suất 200m3/ngày; 3 hệ thống cấp nước sạch, NUHĐ; đánh giá nâng cấp chất lượng nước xử lý từ quy chuẩn Việt Nam 02/2009/BYT lên 01/2009/BYT cho một nhà máy cấp nước.
Ngoài ra, Dự án phối hợp với một số trường học trên địa bàn Hà Nội tổ chức các buổi truyền thông “Tìm kiếm đại sứ nước”, huy động nguồn lực xây dưng các trạm xử lý, cấp nước sạch cho một số trường dân tộc bán trú của tỉnh Hòa Bình, Lai châu; xây dựng một Kế hoạch CNAT, 5 sổ tay CNAT cho các hệ thống cấp nước sạch quy mô trường học và cụm dân cư của các tỉnh...
Từ sáng kiến địa phương, Dự án đã thành lập Liên minh Nước - Sức khỏe Việt Nam (VIWHA), đến nay đã có hơn 50 thành viên tham gia, bao gồm các tổ chức, chuyên gia vận động chính sách về nước và sức khỏe; về giải pháp công nghệ xử lý cấp nước; cấp nước an toàn và đã triển khai nhiều hoạt động có kết quả.
comment 0 nhận xét